Thảo Nhi mến tặng các bạn

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Trèo lên cây bưởi hái hoa



“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”



          “Trèo lên cây bưởi hái hoa…” là một bài ca dao độc đáo gồm 10 câu. Giai thoại văn học của giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho biết đây là lời đối đáp giữa chúa Trịnh Tráng và Đào Duy Từ trong thế kỷ 17. Khi Đào Duy Từ đã trở thành bề tôi đắc lực của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trịnh Tráng gửi thư muốn lôi kéo Đào Duy Từ ra Đàng Ngoài, nhưng việc bất thành. Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

Có chồng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen

        Đào Duy Từ (1572- 1634) sinh tại tỉnh Thanh Hóa. Ông rất thông minh nhưng ông không đươc dự thi vì cha ông làm nghề ca hát. Ông giận chúa Trịnh đối xử bất công cho nên ông bỏ vào Nam (dưới sự cai trị của chúa Nguyễn). Trên đường vào Nam Đào Duy từ đã lội qua Sông Gianh, nên ông đã nhận ra Sông Gianh không đáy vì Sông Gianh rất nhiều cát không thể nào đứng chân xuống được. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cho làm cầu qua Sông Gianh nhưng đều bị thất bại vì hễ chôn cột xuống là bị cát chuồi trôi nên đã cho sứ giả đi tìm người tài giỏi để làm cầu qua Sông Gianh.

        Vừa qua sông Gianh Đào Duy Từ vào một quán nước nằm trên võng đọc mấy câu thơ về Sông Gianh không đáy, lúc này sứ giả của chúa Nguyễn đi ngang qua nghe được và mời ông về, ông đã cho chúa Nguyễn biết không thể làm cầu qua Sông Gianh được.
Đào Duy Từ vào Nam, sống bằng nghề chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở Bình Định. Chủ nhà là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, nên đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi. Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha Úy Nội Tán.
Trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn, ông đã xây một chiến lũy để ngăn ngừa quân Trịnh. Chiến lũy này chạy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người dân gọi chiến lũy này là Lũy Thầy (tức là lũy do Thầy Đào Duy Từ xây dựng).
Trên một ý nghĩa khác, bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa…” được lưu truyền và cảm nhận là một bài ca dao tình yêu mang tính bi kịch. Năm tháng đã trôi qua, tuổi xuân trinh trắng đâu còn. Chuyện trăm năm không thể có được nữa rồi, nhưng chàng trai vẫn không nén nổi tình cảm, đành phải thốt lên than thở. Nuối tiếc bao nhiêu thì lại đau buồn bấy nhiêu. Hái hoa bưởi… rồi lại hái nụ tầm xuân, anh đã “trèo lên” rồi anh lại “bước xuống”, khác nào anh đã “cầm vàng mà lội qua sông…”.
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.”

         Mùa xuân đã qua rồi, hoa bưởi đã kết trái, thời con gái son trẻ đâu còn nữa, giờ đây “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. Một cách nói, một ẩn dụ biểu lộ một ý tứ tế nhị, dịu dàng. Trước thực tế phũ phàng, chàng trai chỉ còn biết thở dài ngao ngán:
“Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!”

         Sáu câu ca tiếp theo là lời phân trần của cô gái. Cô trách “cố nhân” ngập ngừng, chậm trễ. Em đã trải qua chín đợi mười chờ:
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”

       Hai tiếng hỏi “Sao anh” vừa trách móc vừa an ủi. Tình yêu phải đi đến một hôn nhân. Phải dạm trầu bỏ ngõ. “Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”. “Ngày còn không” là ngày còn con gái, còn ở với mẹ cha. Tục ngữ có câu: Gái có chồng như gông đeo cổ - Trai có vợ như lỗ tiền chôn”. Gái về nhà chồng đâu còn tự do nữa. Lễ giáo và đạo đức (tam tòng, tứ đức), anh có hiểu cho chăng?
“Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

        Hai so sánh liên tiếp: “Như chim vào lồng, như cá cắn câu” diễn tả thật cảnh ngộ bó buộc, chật hẹp của gái “đã có chồng”. Hai câu hỏi tu từ xuất hiện thể hiện một bi kịch trong tình yêu: vẫn còn quyến luyến “người xưa” nhưng không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo lí, của lễ giáo. Những vần trắc (gỡ-thuở) của 2 câu thất ngôn cuối đoạn làm cho âm điệu câu thơ bị thắt lại, bị nén lại như nỗi đau chứa chất trong lòng. Như môt tiếng thở dài ngao ngán. Bài ca dao buông lửng. Lứa đôi chỉ còn biết an bài theo duyên phận, bởi lẽ “cá biết đâu mà gỡ” khi đã cắn câu? “chim biết thuở nào ra” khi đã vào lồng? Lứa đôi tuy chẳng đưa được con thuyền tình cặp bến hạnh phúc, nhưng “Chút nghĩa cũ càng” đâu dễ nguôi, dễ quên? Cả bài ca dao là nỗi buồn, nỗi nhớ tiếc cho mối tình xưa. Tuy còn nhiều lưu luyến nhưng đã có điểm dừng và khoảng cách hợp lí của anh và em khi đối diện với bi kịch tình yêu.

       Nói về một khía cạnh khác thì cây bưởi tuy thanh cao, nhưng hoa bưởi màu trắng là màu thể hiện sự đau thương tang tóc, còn vườn cà thấp bé, trái cà dùng để muối ăn trong những ngày cơ cực của người dân Việt Nam, nhưng ở vườn cà lại nở ra những nụ tầm xuân xanh biếc
Bài viết có sử dụng nguồn từ Internet.





9 nhận xét:

  1. sắp có hoa bưởi chưa để anh trèo lên hái?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Ba đồng một mớ trầu cay,
      Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”

      Xóa
  2. hehe... tiếc thì đã muộn!
    người nay nên học bài học đắt giá của người xưa để khỏi tiếc...
    bài viết rất hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế Giáo ạ
      “Bây giờ em đã có chồng,
      Như chim vào lồng như cá cắn câu.
      Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
      Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

      Xóa
  3. Nặc danh08:08 21/1/13

    Đọc bài bình của em rất hay làm anh nhớ đến trò chơi "Chim Sổ lồng",vui lắm em à !Chim sổ lồng nó ra ráo trọi hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn ghé thăm, bạn có thể cho biết bí danh được không? luôn vui vẻ lạc quan bạn nhé.

      Xóa
    2. Nặc danh09:35 27/1/13

      Anh là Thép Rỉ -Hà Lữ Hoài
      Chúc em nhiều vui em nhé.Mến !

      Xóa
  4. Rỉ Thép09:29 27/1/13

    Anh viết bài thơ cho em đây
    Nhưng không giờ gửi
    Vì em hái hoa cây bưởi
    Hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân giờ nở ra xanh biếc
    Em có chồng rồi
    Anh nửa tiếc nửa không.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Thép vậy mà em cứ tưởng quan khách xa xôi nào đấy chứ, Vui vẻ ngon giấc anh Thép nhé

      Xóa

- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]
Nhà có trẻ nhỏ, đề nghị không post hình hoặc video mang tính nhạy cảm

.

Thảo Nhi chân thành cảm ơn